Bộ Chính trị duyệt mức đầu tư hơn 95.000 tỷ cho hai tuyến metro Sài Gòn

Bốn rắc rối tại tuyến metro đầu tiên của Sài Gòn

Văn phòng Trung ương Đảng vừa thông báo cho Thành ủy TP HCM về ý kiến của Bộ Chính trị, liên quan việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP HCM  tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng tuyến Metro Số 1 từ 17.388 tỷ (được UBND TP HCM phê duyệt năm 2009) tăng lên 47.325 tỷ đồng. Tuyến số 2 từ 26.116 tỷ đồng (phê duyệt năm 2010) tăng lên 47.891 tỷ.

Quyết định của Bộ Chính trị đưa ra dựa trên quan điểm của Ban cán sự Đảng bộ Giao thông Vận tải và các bên liên quan. Các cơ quan chức năng được yêu cầu thực hiện theo cơ chế tài chính của dự án; tăng cường kiểm tra, thanh tra để đảm bảo các dự án hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố đang chờ chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai các thủ tục giải ngân theo hiệp định vay đã ký với đối tác Nhật. "Thành phố rất vui mừng với chủ trương này của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ giúp thành phố hoàn thành giai đoạn cuối của dự án", ông Tuyến nói.

Metro Số 1 thi công được 61 %. Ảnh: Hữu Khoa.

Metro Số 1 đi qua vòng xoay Cát Lái. Ảnh: Hữu Khoa.

Tuyến Metro Số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).

Khởi công vào tháng 8/2012, tuyến Metro Số 1 đạt khoảng 61% tổng khối lượng công việc. Thời gian qua, thành phố luôn gặp khó khăn về nguồn vốn thanh toán cho nhà thầu thi công. Nguyên nhân do Quốc hội chưa xem xét, thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng không cấp phát vốn ODA năm 2018 cho tuyến Metro Số 1 do vướng mắc thủ tục pháp lý. Việc bố trí kế hoạch vốn ODA năm 2017 và trung hạn giai đoạn từ năm 2016-2020 chưa đáp ứng theo nhu cầu. Từ tháng 9/2016 đến nay, TP HCM đã 4 lần tạm ứng vốn cho dự án với tổng số tiền 3.273 tỷ đồng.

Bị nợ tiền kéo dài, hồi tháng 11 năm ngoái, ông Umeda Kunio (Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam) đã gửi văn bản bày tỏ quan ngại với Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh của dự án và tác động đến các cơ quan cấp trên để dự án được phê duyệt về vốn.

Nhắc lại việc TP HCM từng cam kết sẽ tạm ứng ngân sách để thanh toán, ông Umeda Kunio đề nghị sớm thanh toán cho đơn vị thi công, tư vấn hơn 100 triệu USD đang nợ. "Áp lực lên các nhà thầu cũng đến mức giới hạn, nếu đến cuối tháng 12 các vấn đề này không được giải quyết thì tôi rất lấy làm tiếc về việc dự án buộc phải ngừng thi công", ông Umeda Kunio viết.

Các kỹ sư thi công Metro 1 tại khu vực trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Hữu Khoa.

Các kỹ sư thi công Metro 1 tại khu vực trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Hữu Khoa.

Hôm 20/12, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một loạt sai phạm tại dự án Metro số 1. Trong đó, UBND TP HCM bị cho là chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền khi phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án từ năm 2017 sang năm 2019 cũng không tuân thủ trình tự. Với dự án quan trọng quốc gia, khi kéo dài thời gian thực hiện từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Nhân sự cũng là vấn đề rắc rối tại Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM khi Trưởng ban Lê Nguyễn Minh Quang xin nghỉ vì lý do sức khỏe trong khi Phó ban Hoàng Như Cương đã đi nước ngoài từ đầu tháng 12 khi chưa được cho phép.

Sáng nay, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định miễn nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang và điều động Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường về làm Trưởng ban.

Metro số 2 hiện chưa thi công. Tuyến này dài gần 20 km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh), chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18 m. Có 679 hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý đường sắt Đô thị TP HCM, công tác giải phóng mặt bằng đang bị đình trệ, kế hoạch tái định cư chưa được UBND thành phố thông qua, ảnh hưởng đến công tác bồi thường của các quận dù nguồn vốn luôn có sẵn.

(Nguồn: Hữu Công - vnexpress.net)