Hạn chế thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thép Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam trong khi lượng thép tồn kho trong nước cao, việc làm này gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất thép của nước ta.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trước tình hình này, hiệp hội đã có giải pháp kiến nghị lên các cơ quan chức năng để hạn chế phần nào lượng thép Trung Quốc đang ồ ạt nhập vào Việt Nam.

thép Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.


Trước tình hình thị trường thép trong nước cung lớn hơn cầu và lượng thép nhập khẩu gia tăng, để đẩy mạnh tiêu thụ thép những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đã thực hiện các giải pháp như: Tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển và các khoản chi phí khác cho các đại lý...Từ đầu năm đến nay, lượng thép từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được nhập vào Việt Nam rất lớn, trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thép nhiều nhất vào nước ta. Ước tính lượng thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam lên tới 137.500 tấn, trong khi năm năm 2010 là gần 25.000, năm 2011 là 54.000 tấn. 

Nhằm hạn chế tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam như hiện nay, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát sau thông quan với sản phẩm thép thông thường và thép hợp kim, thực hiện chặt chẽ quy định dán nhãn tiếng Việt trên sản phẩm thép nhập khẩu.

Đặc biệt, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương cần phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm tìm ra giải pháp chống bán phá giá, chống trợ giá xuất khẩu kịp thời để trợ giúp ngành thép.

“Thuế Việt Nam đã thỏa thuận với các nước như thế nào thì trước hết phải xem xét lại việc đó. Thứ 2 phải tìm cách đặt ra một số biện pháp quản lý hành chính để làm giảm bớt việc quản lý chặt chẽ hơn trong việc nhập khẩu vào Việt Nam. Biện pháp thứ 3, nếu ảnh hưởng lớn thì chúng ta có thể dùng theo Luật cạnh tranh - tự vệ, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề nghị Chính phủ xem xét, áp dụng. Đối với Bộ Tài chính - Hải quan thì phải kiểm tra để chống gian lận thương mại khi nhập vào Việt Nam” - Ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết./.

Chung Thủy/VOV - Trung tâm tin