Ngành thép Trung Quốc và ảnh hưởng đối với ngành thép ASEAN trong năm 2017

Công nghiệp thép toàn cầu tiếp tục hồi phục trong năm 2017. Mặc dù giá thép thành phẩm vẫn biến động nhưng vẫn có khả năng duy trì ở mức cho phép các nhà sản xuất thép có được lợi nhuận bán hàng cao. Trên thực tế, giá thép tại Trung Quốc thậm chí đã đạt mức kỷ lục mới nhờ nhu cầu mạnh mẽ hơn dự kiến ở thị trường trong nước.

Do đó, các công ty thép Trung Quốc ít quan tâm đến thị trường xuất khẩu, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc sang thế giới so với những năm trước. Trong 11 tháng đầu năm 2017, tổng lượng xuất khẩu thép thành phẩm từ Trung Quốc giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 69,83 triệu tấn. Khối lượng xuất khẩu sang ASEAN-6 thậm chí giảm hơn, ghi nhận mức giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 17,6 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1 – tháng 10/2017.

Bên cạnh nhu cầu nội địa mạnh mẽ, nỗ lực phối hợp của chính phủ Trung Quốc trong việc cắt giảm sản lượng thép dư thừa trong nước cũng đã góp phần đáng kể vào tình hình cải thiện thị trường thép trong không chỉ Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới. Trung Quốc đã thành công trong việc loại bỏ 115 triệu tấn công suất dư thừa trong vòng 2 năm trong khi mục tiêu giảm công suất trong giai đoạn 5 năm từ 2016 – 2020 là từ 100 – 150 triệu tấn.

Sự phát triển quan trọng hơn trong ngành công nghiệp thép Trung Quốc trong năm 2017 có lẽ là việc loại bỏ toàn bộ lò nung cảm ứng bất hợp pháp trong nước vào cuối tháng 6. Theo ước tính, có hơn 600 nhà sản xuất lò cảm ứng ở Trung Quốc với tổng công suất khoảng 120 triệu tấn, vốn không nằm trong mục tiêu loại bỏ công suất thép chính thức. Tổng sản lượng ước tính của các nhà sản xuất này trong năm 2016 là khoảng từ 30 – 50 triệu tấn.

Tác động ngay lập tức của những hành động trên là sự tăng giá thép thanh trong nước Trung Quốc, sản lượng chính của các nhà sản xuất lò cảm ứng. Điều này dẫn đến tình trạng hiếm gặp là giá thép thanh vượt mức giá HRC trong vòng 5 tháng liên tiếp từ tháng 3 đến tháng 7/2017.

Việc đóng cửa các cơ sở lò cảm ứng ở Trung Quốc cũng có một số tác động đến ngành công nghiệp thép ASEAN, cả tốt lẫn xấu. Vì nguyên liệu thô chính của lò nung cảm ứng là sắt thép phế, nên việc kìm kẹp các nhà sản xuất lò nung cảm ứng đã dẫn đến tình trạng dư thừa phế liệu ở thị trường Trung Quốc. Giá phế liệu bắt đầu giảm và, bất chấp thuế xuất khẩu 40%, đã có sự tăng đột biến trong việc xuất khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. ASEAN là điểm đến xuất khẩu chính và trong 10 tháng đầu năm 2017, khoảng một triệu tấn sắt thép phế liệu từ Trung Quốc đã được nhập khẩu vào ASEAN-6. Đây là một sự phát triển tích cực cho các nhà sản xuất thép trong khu vực vì hầu hết đang vận hành các cơ sở lò điện hồ quang trong đó phế liệu là nguyên liệu chính.

Bên cạnh đó, một hoạt động ít hoan nghênh từ việc loại bỏ công suất lò cảm ứng ở Trung Quốc là ASEAN cũng đã trở thành điểm đến ưa thích cho việc xuất khẩu thiết bị không mong muốn. Các nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều báo cáo hoạt động tăng theo hướng này. Mối quan tâm chính là điều này có thể dẫn đến việc đưa ra một công nghệ không phù hợp với sản xuất thép cacbon thông thường, không thân thiện môi trường, tiêu thụ năng lượng cao và sản xuất các sản phẩm thép không đạt tiêu chuẩn. Các hiệp hội ngành tại các quốc gia bị ảnh hưởng đang đề nghị chính phủ của họ kiểm soát và hạn chế việc nhập khẩu các thiết bị này.

(Seaisi org 4/1/2018)