“Phép thử” ngành thép

Doanh nghiệp ngành thép đang kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm, khi nửa đầu năm đã kết thúc với nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Thông tin Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa công bố cho thấy, sau khi gặp nhiều khó khăn trong quý I, sang quý II, tiêu thụ thép đã phục hồi đáng kể. Sản lượng bán thép xây dựng nội địa tăng 13,2% so với quý trước, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu thép cũng đang có dấu hiệu phục hồi sau khi giảm sâu trong quý I, đạt 300.438 tấn trong tháng 6, tăng 14,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng, xuất khẩu thép các loại đạt 1.855.267 tấn, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2019.

phep thu nganh thep
Ngành thép được dự báo sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thử thách bởi xu thế bảo hộ trên thị trường quốc tế

Dịch Covid-19 mặc dù tạo ra nhiều khó khăn song cũng là “phép thử” để doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần. Trong nửa cuối năm 2020, ngành thép được dự báo sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thử thách bởi xu thế bảo hộ trên thị trường quốc tế, thị trường bất động sản, xây dựng trong nước chưa có tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của ngành thép bị gián đoạn. Tuy nhiên, cơ hội cũng đến khi ở thị trường trong nước, Chính phủ đang thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng hơn sau khi dỡ bỏ đóng cửa do Covid-19.

Dù xuất khẩu thép được dự báo vẫn chưa hết khó, song Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 được kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm thép Việt hiện diện rõ hơn ở thị trường này. Ông Nguyễn Văn Sưa - chuyên gia trong lĩnh vực thép - cho rằng, cơ hội của ngành thép Việt để xuất khẩu sang thị trường EU rất lớn, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ để đón nhận cơ hội này.

Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - khuyến cáo, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy, nhận diện đúng vai trò của mình trong việc thực thi FTA qua việc chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin, nội dung mà hai bên đã cam kết. Từ đó, vận dụng quy tắc xuất xứ hệ thống và hiệu quả. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật đã cam kết; nắm rõ khung pháp lý của thị trường và các rào cản kỹ thuật để chủ động hơn trong xuất khẩu.

(Nguồn: Bảo Ngọc - congthuong.vn)